Nhà văn Nguyễn Thiết
Viết “Chiêm Linh Học”, Nguyễn Đỗ Lưu bộc bạch “ Tôi không có tham vọng làm thơ hai câu. Bấy năm nay, tôi làm cái việc của kẻ đi lượm lặt những suy nghĩ, khổ đau, vui sướng của đời nó rải rác ở cõi linh tâm để chắp nên câu, nên chữ. Tôi mong rằng người đời nay và người đời sau có mở sách “Chiêm Linh Học” của tôi tìm những điều hay, lẽ dở, may gì cũng nhặt được gì đó... (trang 5- quyển I). Chẳng hạn, “Trót gây tội ác cho người/ Bóng đen ám ảnh suốt đời khổ đau” hay “ Vua tin kẻ sĩ người hiền/ Ắt dân thịnh vượng trăm miền hoan ca”.
Trong lao động sáng tạo, Nguyễn Đỗ Lưu có được sự quan sát tinh tế, giầu cảm xúc, cộng với tâm hồn nghệ sĩ nhiều chất thi sĩ “Ai từng nhặt mảnh tim tan / Mới thương bước lạnh chiều hoang đếm buồn”. Vì vậy, trong hơn 60 năm cầm bút, ông viết nhiều thể loại như kịch, truyện, tiểu luận, nghiên cứu và làm thơ. Thơ ông có các giải thưởng: Giải văn học- thơ học sinh Bắc Việt (1953), giải nhì thơ, báo “Sức Khỏe”(không có giải nhất- 1969), giải nhì thơ hội văn học nghệ thuật Hà Nội (1976) và giải chính thức chùm thơ hay phát trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam (1992). Được thế mà ông cũng tự cho mình “ Dạt rều bể khổ sông mơ / Lênh đênh với nửa tứ thơ cuối trời” hay “ Cho đời cả tỉnh cả mơ / Tự thiêu bằng ngọn lửa thơ bật bùng” (trong “Năm mươi năm thơ Nguyễn Đỗ Lưu”).
Phải chăng ông tạm lắng phần sáng tác thơ, kịch ... hoặc có viết cũng thưa thớt, ông dành toàn bộ tâm lực, ngòi bút, viết Chiêm Linh hiền triết như: 101ĐIỀU NHÂN THẾ -NXB Thanh Niên 1998. Dịch MINH ĐẠO GIA HUẤN, cổ học Trung Hoa của tác giả Đại Trình Phu Tử, sang thể thơ song thất lục bát – NXB Văn Hóa Dân Tộc – 2004, được bạn đọc đón nhận làm sách cẩm nang trong nhà, như đèn soi nhân nghĩa làm người. Trong thời gian này ông cũng nhận được tin vui: NXB Trẻ thành phố Hồ Chí Minh ra tuyển tập “ Thơ Tình Bốn Phương” tuyển lựa từ 1200 năm trên toàn thế giới. Bài KIẾP HOA của ông được xếp vào hàng tuyệt bút cùng Nguyễn Du, Puskin, Attila Jozep v.v...(trang 20).
Hơn chục năm gần đây, ông tập trung bút lực để viết nhiều quyển “Chiêm Linh Học” (5 quyển Nhà Xuất Bản Thanh Niên đang in và ông đang viết tiếp quyển thứ 6) gồm gần vạn bài theo thể lục bát. Chúng hiện diện như sự tổng kết của muôn mặt đời sống được ông khái quát cao. Ở đây, vừa có tính triết học, triết lý, chân lý trong nhân sinh quan và thế giới quan sống của con người ở đời.
Đó là cách sống để làm người mà ta thường gặp ở 5 quyển sách này rất nhiều bài. Đại loại “ Lương y như thể mẹ hiền / Vì dân thì trắng, vì tiền thì đen” hoặc “Sống nghiêm đạo lý đạo đời / Lũ tham cũng ngại xu thời tránh xa” và “ Nhất tâm là hướng tâm thiên / Tự tu, tự nguyện , tự yên cõi lòng”.
Đó là đỗi nhân xử thế, bởi hàng ngày, ta phải tiếp xúc, quan hệ với rất nhiều người, nhiều việc, từ ngoài xã hội đến cơ quan, công sở và về đến gia đình là ông bà, bố mẹ, anh em, họ hàng, chú bác... Vì vậy mà phải kính trên, nhường dưới. Phải biết tự trọng mình và tôn trọng người khác “ Giỏi giang xử thế ở đời / Đừng mang áp đặt cho người giống ta”. Bài khác “ Kẻ nào lấy oán báo ân / Suốt đời chẳng thể ngoi thân với người” và “ Láng giềng tốt bụng là vàng / Chẳng may xấu bụng sống ngang ngục tù” hay “ Thấy người ngộ gió giữa đường / Không, kêu không cứu, ấy phường vô nhân”...
Với tình yêu nam nữ, hạnh phúc gia đình, ông viết được rất nhiều bài đầy nghĩa tình, cả xót xa lẫn cảm động, đắng cay mà vẫn đẹp, Nguyễn Đỗ Lưu coi đây là một chủ đề lớn “Một đại bào cấu thành luật hữu sinh bất diệt của loài người” (trang5- quyển IV). “Trời sinh chi cái tình yêu / Bùa nào giải được cái chiêu vô hình” hoặc “ Yêu đến trí tuệ tâm linh / Là yêu đạt tới siêu hình trong nhau”. Bài khác “Yêu đâu phải chức quyền cao / Cho nhau là ở chỗ nào trong tim”, “Là con vì mẹ, vì cha /Là chồng là vợ phải là vì nhau” và “ Nhiều con đứa điếc đứa đui / Ít con “bảng nhỡn”, hỏi vui nào bằng”...
Cứ thế cả gần vạn bài đượm chất dân gian, ca dao, tục ngữ, viết về muôn mặt trong cõi linh tâm của đời sống con người như: “cái thấy, cái nghĩ, cái vui, cái buồn, cái khổ đau, cái tham ích kỷ và sự ác tâm mù quáng... Dẫn giải phần đức tính, đức tâm mong đạt tới trung nhân tâm thế, tới sự giác ngộ tối thường chân lý thực hiện đời thường” (Nguyễn Đỗ Lưu) “ Người còn- đấng tối linh còn / Đã không, không tất, lưu hồn cũng không”. Một bài khác vừa hiện đại vừa mang tính thời sự mà lại như một chân lý “ Đừng cho con cá ăn mầm/ Hãy cho phương pháp thả cần, buông câu”...
Nguyễn Đỗ Lưu là người có đời sống nội tâm sâu sắc, giàu chất nhân văn, từng trải và luôn chiêm nghiệm. Ông vừa là khách thể thẩm mỹ, là người sáng tạo, là nhân chứng lại vừa là chứng nhân. Ông hiểu thấu đáo quy luật vận động tư tưởng, tâm lý, sinh lý của người ở đời và đặt tên, chỉ mặt không chỉ là những hiện tượng mà còn ở bản chất của sự vật, sự việc trong tác động qua lại giữa các chủ thể mà viết ra từng bài lục bát trong một khái niệm thống nhất mà ông gọi là “Chiêm Linh Học”. Vậy “ Chiêm Linh Học” được ông khái quát, đó là “ những vấn đề thiết yếu và suy tư về những cái gần gũi với con người, cái ta tưởng như dễ bỏ qua, song chính nó đang tồn tại và sinh sôi từng giờ, quấn quýt lấy ta, để ta có một thế giới đích thực đời thường, không phụ thuộc bất cứ một phái đạo nào, nên nó độc lập, độc tôn ở cõi đời này” (trang 376- quyển IV).
Năm quyển “Chiêm Linh Học” với gần vạn bài viết theo thể lục bát, chúng không chỉ có tính thơ ca vừa lãng mạn, vừa hiện thực, vừa tâm linh vô cùng phong phú, phủ khắp và thẳm sâu nơi con người nó trực tiếp bị tác động, chi phối không chỉ ở bản năng người mà còn ở quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Vì vậy “Chiêm Linh Học” còn mang tính xã hội sâu sắc và nó gắn với công trình nghiên cứu về một thế giới đặc biệt, nơi con người vừa phổ cập vừa khái quát như một chân lý, triết lý vừa có tính dân gian vừa có tính bác học.
Mượn thể thơ sáu tám đậm chất dân gian, gần với ca dao tục ngữ để chuyền tải các trạng thái, nội dung của linh tâm người. Vì vậy mà độc giả dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ. Ở đây, có vô vàn thông điệp khác nhau với nhiều điều bổ ích thiết thực cho mỗi người trong việc ứng xử giữa người với người, giữa tình yêu nam nữ, với hạnh phúc gia đình, với cộng đồng, với xã hội.
Qua đây, bạn đọc biết thêm về tác giả, một người lao động văn chương giầu tâm huyết. Trên hết, đó là tấm lòng nhân hậu, bao dung, tự trọng và sống để yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét